Tin tức hoạt động của UBND Phường
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Quyết định số 5390/QĐ-UBND ngày 15/10/2024 về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội".
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về tuyển dụng nhân sự chất lượng cao
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (Trung tâm) là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; là đơn vị dự toán cấp 1, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định. Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND TP; chấp hành chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.
Trung tâm có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; là đầu mối giúp UBND TP tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, theo dõi, kiểm soát, đôn đốc, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Trung tâm có trụ sở tại địa chỉ số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Về biên chế trong giai đoạn 1, Trung tâm được sử dụng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động làm việc chuyên môn theo Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã được phê duyệt theo quy định.
Trung tâm được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trên địa bàn thành phố. Bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở mới và trụ sở tạm của Trung tâm, mua sắm trang thiết bị làm việc, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Trung tâm từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước năm 2024. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về tuyển dụng nhân sự chất lượng cao; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc; cơ chế thuê chuyên gia và ký hợp đồng dài hạn với nhân viên làm việc tại Trung tâm theo quy định của Luật Thủ đô 2024.
Tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống nền tảng dùng chung. Trung tâm được xây dựng nhằm tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận một cửa.
100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu đã được cập nhật qua số hóa; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư bảo đảm "3 tăng", "3 giảm", "3 không": Tăng chất lượng dịch vụ, tăng minh bạch, công khai, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, cá nhân; giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không có TTHC giải quyết trễ hạn.
Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC đạt tối thiểu 95%, trong đó 100% hồ sơ TTHC được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận Một cửa thống nhất, đồng bộ.
Sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ
Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của Trung tâm.
Thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Trung tâm "không làm thay" chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết TTHC của các sở, ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan; tăng cường mối quan hệ phối hợp ngang, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Lấy CNTT là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu, là khâu đột phá để đổi mới, triển khai thực hiện "mô hình một cửa, một cửa liên thông mới".
Toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan phải được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.
Cải tiến, phát triển toàn diện mô hình Bộ phận Một cửa của TP trên cơ sở kế thừa toàn bộ kết quả đã đạt được, bảo đảm thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn. Chú trọng đào tạo, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Có chế độ, chính sách và cơ chế đặc thù nhằm thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ Trung tâm.
Bảo đảm tiếp nhận hồ sơ TTHC "phi địa giới hành chính"; tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 05 km, hỗ trợ TTHC 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không qua 15 phút/1 hồ sơ.
Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm được thực hiện trên cơ sở: "Quyết tâm đổi mới - thận trọng triển khai - khả thi, thực tế" với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân - doanh nghiệp; thực hiện theo 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025 (được xác định là giai đoạn then chốt, có tính quyết định); Giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025 và giai đoạn 3 từ ngày 1/7/2025 trở đi.